Những năm gần đây, thị trường bất động sản tại thành phố Buôn Ma Thuột trở nên “sốt”, nhiều cá nhân, doanh nghiệp bất động sản đã lợi dụng những “kẻ hở” để tự ý mở đường, hiến đường trên đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng, phân lô tách thửa. Sau đó rao bán trên các trang mạng xã hội với nhiều cái tên mỹ miều như “dự án”… Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã có công văn chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này vẫn tái diễn tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Đất nông nghiệp bị “băm nát”
Trên mạng xã hội Facebook, không khó để tìm kiếm những bài viết rao bán đất nông nghiệp với nhiều hình thức như đồng sở hữu, mua lô dưới 500m2 thì viết tay hoặc mua trên 500m2 thì được đứng tên trên một sổ riêng.

Cũng qua Facebook, phóng viên tiếp cận với một môi giới tên H, hiện đang rao bán đất nông nghiệp tại tổ dân phố 7, phường Tân Lợi với giá 400tr/lô 5×20. Chiều 1/11, phóng viên có mặt tại vị trí lô đất trên, theo ghi nhận giữa khu đất có một con đường bê tông rộng hơn 4m, dài trên 100m. Trao đổi qua điện thoại, H cho biết: “Nếu mua 5m thì 400 triệu viết giấy tay, còn nếu mua nguyên sổ 560m2 thì chủ sẽ tách sổ riêng và giá sẽ ưu đãi hơn. Con đường này là chủ họ tư làm, mới làm xong, rồi họ gửi cho công ty chị bán, đây là giá đầu tư F0…” Khi phóng viên đặt nghi vấn về con đường tự mở sợ sau này bị chính quyền xử phạt và cưỡng chế ? Môi giới H “trấn an” khách hàng bằng giọng điệu: “Đường này em không phải lo, đường có sẵn rồi mà em, họ chưa mở hết thôi, em thấy trong Tân Lợi họ đổ biết bao con đường biết bao con đường bán hết rồi, bây giờ lên được thổ cư hết rồi có con đường nào mà cưỡng chế đâu em, nhà nước mình mừng là đường khác…”

Để hiểu rõ vấn đề, phóng viên đã liên hệ với UBND phường Tân Lợi, tại buổi làm việc, ông Lê Anh Tuấn – Chủ tịch UBND phường cho biết: “Hiện chưa nắm được sự việc và sẽ chỉ đạo cán bộ địa chính vào kiểm tra ngay, quan điểm của phường là cương quyết xử lý, nếu xảy ra vi phạm…”
Chiều cùng ngày, cán bộ địa chính phường đã tiến hành kiểm tra, xác định vị trí trên thuộc tổ dân phố 7, phường Tân Lợi, lập biên bản làm việc tại thửa đất số 194, 195 tờ bản đồ số 15, ghi nhân con đường bê tông tự mở với diện tích 5m x 131,5m=657,5 m2, dày 0,1m. Trên thửa 194 còn có tường rào xây gạch cao 2m với chu vi 58,7m. Hiện chưa xác định được chủ đất.

“Trước tiên sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó đề xuất gửi lên UBND thành phố để ra quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phục hiện trạng, nếu không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ gửi văn bản thông báo nhằm ngăn chặn phân lô tách thửa tại đây”. ông Tuấn cho biết thêm.

Tương tự, tại buôn EaNao B, xã Ea Tu cũng diễn ra tình trạng này, sau khi liên hệ qua điện thoại, phóng viên được môi giới tên H dẫn vào vị trí đất.
Trước mắt phóng viên là một cánh cửa cao, khoá trái, theo quan sát, phía sau cánh cửa là một lối đi được rải đá dăm dài khoảng 50m, được cắm cọc bê tông 2 bên nhằm phân biệt các thửa đất.
Tại đây, môi giới H cho biết: “Ở đây có 8 lô nông nghiệp với diện tích mỗi lô là 500m2, tất cả đã ra sổ. Hiện đã bán được 5 lô, những lô ở phía mặt đường ngoài thì có thể hiện đường trên sổ vì là đường nhà nước, còn các lô còn lại phía trong thì không thể hiện đường trên sổ, khi bán các bên cam kết các bên con đường đá dăm ở giữa là để sử dụng chung, nội bộ, sắp tới cũng có người đang chuẩn bị làm nhà vườn tại đây…”

Khi hỏi về pháp lý, môi giới cho PV xem một số GCNQSD đất qua điện thoại, thuộc thửa đất số 347, 348, 350, 351, 352 thuộc tờ bản đồ số 29 địa chỉ xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Tất cả được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk ký ngày 14 tháng 7 năm 2021.
Tại khu vực đường Ô.Việt- Ea Pan phường Ea Tam, các cá nhân, doanh nghiệp bất động sản cũng mở đường, rãi đá dăm, cắm mốc, tách thửa nông nghiệp với diện tích 500m2 rồi rao bán. Theo tìm hiểu, tại đây có 12 giấy CNQSDĐ với diện tích 500m2 mỗi giấy, khi Pv ngỏ ý muốn mua thì được môi giới trả lời rằng: “Đã bán hết”.

Ẩn chứa nhiều hệ luỵ ?
Được biết, ngày 4 tháng 6 năm 2019, UBND Thành phố Buôn Ma Thuột có văn bản số 2336/UBND-TNMT về việc đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất cho phép UBND thành phố thực hiện một số biện pháp để tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Cụ thể, UBND thành phố không giải quyết cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất vượt hạn mức ở theo quy định của UBND tỉnh, giao trách nhiệm cho UBND các xã, phường thẩm định nhu cầu sử dụng đất; không giải quyết đối với các hồ sơ không xác định được nhu cầu chuyển mục đính chính đáng, các hồ sơ của doanh nghiệp bất động sản để phân lô, bán nền; không giải quyết cho phép mở đường để phân lô bán nền nông nghiệp; không giải quyết việc phân lô, tách thửa đối với các trường hợp phân lô bán nền.
Trao đổi với Pv, ông Lê Đại Thắng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Đối với những trường hợp mở đường trên đất nông nghiệp, thành phố đã từ chối giải quyết từ trước đó. Nếu phát hiện trường hợp tự ý mở đường sẽ quyết liệt xử lý nghiêm. Còn việc tách thửa đất nông nghiệp với diện tích tối thiểu 500m2 thì pháp luật cho phép, tuy nhiên uỷ ban cũng cần phải xem lại nếu không sẽ phá vỡ quy hoạch mất…”

Khi chính quyền siết chặt về chuyển mục đích, tách thửa bán nền, nhiều cá nhân, doanh nghiệp bất động sản lại chuyển hướng qua đất nông nghiệp với diện tích 500-600m2/ 1 GCNQSDĐ. Việc tách thửa theo hình thức như vậy là phù hợp với quy định của pháp luật, tuy nhiên sẽ có nhiều hệ luỵ về sau. Tuy không thể hiện đường đi trên giấy CNQSDĐ, nhưng để bán nhanh, các “chủ đầu tư” đã mở lối, rãi đá dăm hình thành lối đi trên đất, “lách luật” về xây dựng và cam kết là lối đi chung khi thực hiện giao dịch. Khi người dân mua vào có nguy cơ gặp nhiều “rủi ro” về sau. Áp dụng luật đất đai khi BĐS bị bao bọc bởi các BĐS khác thì thoả thuận mở lối đi chung, khi đó có thể gây phá vỡ quy hoạch của thành phố, không đủ điều kiện để đấu nối hạ tầng, dễ dẫn đất khiếu nai, tố cáo, giảm sút năng suất sản xuất nông nghiệp…
Y Khuôn